Giới thiệu Đại học Xây dựng Hà Nội

Theo wikipeadia:

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (Hanoi University of Civil Engineering) là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời đứng đầu khối ngành xây dựng. Những công trình xây dựng tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại Việt Nam hầu hết đều có sự góp mặt của những kỹ sư, kiến trúc sư là cựu sinh viên trường Xây dựng. Trường cũng nổi tiếng với lượng kiến thức lớn để đảm bảo đầu ra của sinh viên – những chuyên gia xây dựng hàng đầu của đất nước. Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trở thành Đại học trọng điểm quốc gia về Xây dựng và Kiến trúc.

Các ngành trường có thế mạnh là: Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Kiến trúc, Kinh tế Xây dựng, Xây dựng Cầu Đường, Hệ thống Kỹ thuật trong Công trình, Tin học Xây dựng, Vật liệu Xây dựng, Cấp thoát nước, Kỹ thuật Môi trường.

Các ngành mới nổi tại miền Bắc: Công nghệ thông tin, Khoa học Máy Tính, Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Cơ điện, Kinh tế và quản lý bất động sản, Kinh tế và quản lý đô thị.

Các ngành truyền thống khác: Công trình biển, Công trình thủy, Cơ khí Xây dựng, Máy Xây dựng.

Các môn học nổi tiếng và rất đặc thù như Cơ học cơ sở, Sức bền vật liệu, Cơ kết cấu, Bê tông cốt thép, Nền và móng,… là những môn học mà sinh viên Xây dựng được học và phải vượt qua trong khoá học.

Tiền thân là Khoa Xây dựng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1956. Đến năm 1966 tách ra thành trường riêng. Đến năm 2017, trường trở thành 1 trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu do Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) công nhận.

Lịch sử

Năm 1956, trường Đại học Bách Khoa thành lập Khoa xây dựng.

Năm 1966, qua quyết định số 144/CP ngày 8 tháng 8 năm 1966, Khoa xây dựng chính thức được tách ra thành Đại học Xây dựng.

Năm 1971, Đại học Xây dựng là trường đại học duy nhất bị ném bom, trước lời kêu gọi của Tổ quốc, cùng với sinh viên các trường Tổng hợp, Bách Khoa, Kinh Tế Kế Hoạch, hàng ngàn sinh viên Đại Học Xây dựng nhập ngũ (một trong những trường có sinh viên nhập ngũ nhiều nhất), gác bút để cầm súng bảo vệ Quê hương, Đất nước. Nhiều người đã nằm lại mãi chiến trường, nhiều người mang thương tật, nhiều người may mắn trở về tiếp tục học tập, nhưng họ đều xứng đáng là những anh hùng, là những người con ưu tú của Tổ quốc, góp phần tô thắm thêm truyền thống Nhà trường.

Do hoàn cảnh chiến tranh, Đại học Xây dựng được di tản lên Hương Canh, Vĩnh Phúc. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1982, trường bắt đầu lên kế hoạch chuyển trở về Hà Nội. Đến cuối năm 1983, trường chính thức chuyển về Hà Nội nhưng bị phân tán ở 4 địa điểm khác nhau: Cổ Nhuế, Phúc Xá, Bách Khoa và Đồng Tâm. Năm 1991, trường được tập trung về một địa điểm tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Năm 2014, trường lên kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở mới đào tạo thực nghiệm tại Hà Nam với diện tích 24ha.

Năm 2016, trường khởi công xây dựng giảng đường H3 với diện tích 13000m² sàn xây dựng

Năm 2017, trường trở thành 1 trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định quốc tế do Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) công nhận.

Năm 2021, theo quyết định số 1396/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký thay, trường Đại học Xây dựng được đổi tên thành trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, mỗi bước đi của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đều gắn liền với sự phát triển của ngành, của Thủ đô Hà Nội và của đất nước. Ra đời trong hoàn cảnh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các thế hệ thầy và trò đã không hề bị khuất phục, luôn đứng vững và không ngừng phấn đấu vươn lên cho đến ngày nay, xây dựng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm đào tạo, NCKH & chuyển giao công nghệ lớn, uy tín của đất nước, xứng đáng với nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng.

  • 1 Huân chương Hồ Chí Minh
  • 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất
  • 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì
  • 1 Huân chương Độc lập hạng Ba
  • 1 Huân chương Lao động hạng Nhất
  • 1 Huân chương Lao động hạng Nhì
  • 1 Huân chương Lao động hạng Ba
  • 1 Huân chương Chiến công hạng Ba

54 Huân chương Lao động (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba) và hàng trăm bằng khen của Chính phủ, các Bộ, tỉnh và thành phố cho các tập thể và cá nhân.

500 Huân, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, trên 600 Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho các cán bộ của trường.

Bộ môn Đường ôtô và đường thành phố được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng.

Hệ thống đào tạo

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội hiện giảng dạy 13 khoa

Khoa trực thuộc

  1. Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp
  2. Khoa Công nghệ thông tin
  3. Khoa Cơ khí xây dựng
  4. Khoa Cầu đường
  5. Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng
  6. Khoa Vật liệu xây dựng
  7. Khoa Xây dựng Công trình thủy
  8. Khoa Công trình biển và Dầu khí
  9. Khoa Kỹ thuật môi trường
  10. Khoa Kiến trúc và Quy hoạch
  11. Ban đào tạo Kỹ sư chất lượng cao
  12. Khoa Giáo dục quốc phòng;
  13. Khoa Lý luận chính trị;

Cơ sở Khoa học Công nghệ

  1. Viện Cảng – Kỹ thuật hàng hải;
  2. Viện Địa kỹ thuật và Công trình;
  3. Viện Khoa học và Công nghệ Công trình thủy;
  4. Viện Khoa học và Công nghệ Cơ điện Xây dựng;
  5. Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường;
  6. Viện Kỹ thuật Công trình xây dựng;
  7. Viện Kỹ thuật cao Việt Nam – Nhật Bản;
  8. Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Vật liệu xây dựng nhiệt đới;
  9. Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị;
  10. Viện Quy hoạch và Kỹ thuật giao thông vận tải;
  11. Viện Quản lý Đầu tư Xây dựng;
  12. Viện Tin học xây dựng;
  13. Viện Xây dựng Công trình biển;
  14. Viện Công nghệ Trắc địa xây dựng;

Quy mô đào tạo

Đại học Xây dựng Hà Nội hiện có 24 Giáo sư, 102 Phó Giáo sư, 137 giảng viên cao cấp, 239 Tiến sỹ, 409 Thạc sỹ, 9 Nhà giáo Nhân dân và 67 Nhà giáo Ưu tú. Là một trong những trường có đội ngũ giảng viên chất lượng nhất.

Đào tạo đại học

  • Hệ chính quy: quy mô đào tạo khoảng 19.000 sinh viên, trong đó:
    • Hệ chính quy: Gồm 24 ngành/chuyên ngành, thời gian đào tạo 5 năm, tập trung;
    • Hệ chính quy bằng 2: Gồm 20 ngành/chuyên ngành, thời gian đào tạo 3 năm, tập trung;
    • Hệ chính quy liên thông: Gồm 10 ngành/chuyên ngành; thời gian đào tạo 2,5 năm, tập trung;
  • Hệ vừa làm vừa học: Gồm 24 ngành/chuyên ngành; thời gian đào tạo 5,5 năm; với quy mô đào tạo khoảng 3.000 sinh viên, chưa kể các hệ đào tạo ngắn hạn và đào tạo thường xuyên.

* Sinh viên có thể đăng ký chương trình chất lượng cao hoặc chương trình liên kết để nâng cao chất lượng đào tạo.

Đào tạo sau đại học

  • Đào tạo thạc sĩ: Gồm 17 chuyên ngành với quy mô 1.950 học viên cao học
  • Đào tạo tiến sĩ: Gồm 19 chuyên ngành với quy mô 135 nghiên cứu sinh..

Bên cạnh đó, trường còn tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn (cấp chứng chỉ) nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức với các chuyên đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn như Giám sát thi công xây dựng công trình, Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Đấu thầu xây dựng, Bất động sản, Các lớp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho Kỹ sư mới ra trường…

SỨ MẠNG – TẦM NHÌN – GIÁ TRỊ CỐT LÕI

1. SỨ MẠNG:

Đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức; đồng kiến tạo vì sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước.

2. TẦM NHÌN:

Trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình và thịnh vượng.

3. CÁC GIÁ TRỊ CỐT LÕI:

Trách nhiệm – Sáng tạo – Chất lượng và Hiệu quả.

MÔ HÌNH VÀ QUY MÔ ĐÀO TẠO

MÔ HÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC THEO KHUNG TRÌNH ĐỘ QUỐC GIA VIỆT NAM CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG HÀ NỘI

1. Giới thiệu mô hình đào tạo theo Khung TĐQG của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội:

– Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, năm 2020 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chuyển đổi mô hình đào tạo theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, gồm có các chương trình đào tạo sau:

+ Chương trình đào tạo đại học: Trình độ bậc 6, cấp bằng cử nhân;

+ Chương trình đào tạo kỹ sư/kiến trúc sư: Trình độ bậc 7, cấp bằng kỹ sư/kiến trúc sư

+ Chương trình đào tạo thạc sĩ: Trình độ bậc 7, cấp bằng thạc sĩ;

+ Chương trình đào tạo tiến sĩ: Trình độ bậc 8, cấp bằng tiến sĩ.

– Mô hình đào tạo của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có các chương trình chủ đạo sau:

+ Chương trình đào tạo tích hợp cử nhân, kỹ sư/kiến trúc sư – Thời gian đào tạo 5 năm;

+ Chương trình đào tạo tích hợp cử nhân, thạc sĩ – Thời gian đào tạo 5,5 năm;

– Theo mô hình đào tạo trên, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trình độ đại học (3,5 năm), nhận bằng cử nhân, được chuyển tiếp sang học kỹ sư/kiến trúc sư hoặc được xét tuyển vào học thạc sĩ. Thời gian đào tạo trình độ kỹ sư/kiến trúc sư là 1,5 năm và thạc sĩ là 2 năm. Chi tiết được sơ đồ hóa như Hình dưới đây:

 

Sơ đồ mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư/kiến trúc sư, thạc sĩ của Trường ĐHXDHN

2. Lợi thế của mô hình đào tạo theo Khung TĐQG của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội:

1) Mô hình đào tạo của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành và đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế, đã được 07 trường đại học kỹ thuật hàng đầu trong nước thống nhất thực hiện (Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Mỏ – Địa chất);

2) Chương trình đào tạo Kỹ sư/ Kiến trúc sư đạt trình độ bậc 7 (trình độ thạc sĩ), thời gian đào tạo là 5 năm;

3) Rút gắn thời gian đào Thạc sĩ trước đây xuống còn 5,5 năm;

4) Đa dạng hóa về trình độ đào tạo (cử nhân, kỹ sư/kiến trúc sư, thạc sĩ), đáp ứng các nhu cầu khác nhau về trình độ nguồn nhân lực của xã hội;

5) Đáp ứng nhu cầu của người học khi cần thay đổi ngành đào tạo. Người học thuận lợi thay đổi ngành đào tạo khác với ngành ở trình độ cử nhân khi chuyển tiếp lên học trình độ kỹ sư/kiến trúc sư, thạc sĩ.

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Pineapple

Triển lãm “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo Hà Nội năm 2022”

Trải qua hơn 60 năm đào tạo, 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã trở thành một trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, một trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, có vị thế vững chắc ở Việt Nam và có quan hệ đối tác với nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Từ năm học 2015-2016, nhà trường bắt đầu thực hiện theo Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; tập trung vào một số nội dung sau:

  • Phát triển nhân lực KHCN trong nhà trường. Đưa công tác NCKH và PTCN trở thành một nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên;
  • Hình thành các nhóm NCKH đa ngành và phát huy ưu thế của trường đa ngành trong lĩnh vực xây dựng. Chủ động xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu trọng điểm và đa ngành, thể hiện các mũi nhọm về KHCN của trường để tham gia các chương trình, dự án quốc gia,…;
  • Tìm kiếm các khả năng tăng cường đầu tư CSVC cho các phòng thì nghiệm và thư viện KH&CN bằng các nguồn kinh phí nhà nước và kinh phí của nhà trường;
  • Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ tới các địa phương, hợp tác NCKH với Bộ Xây dựng, thành phố Hà Nội và các bộ, ngành khác; hợp tác quốc tế trong NCKH và chuyển giao công nghệ, phối hợp với các trường đại học quốc tế hình thành các dự án nghiên cứu;
  • Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở KH&CN với các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng, với doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.

ĐỘI NGŨ CÁN BỘ

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội hiện có một đội ngũ viên chức trình độ chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm, tâm huyết với công việc, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Tính đến tháng 06/2022, đội ngũ cán bộ của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội gồm 1026 người, trong đó số cán bộ giảng dạy là 763 người (74,37%), viên chức hành chính là 169 người (16,47%), viên chức hướng dẫn thí nghiệm – thực hành là 46 người (4,48%), hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP là 48 người (4,68%). Đội ngũ giảng viên của trường là những nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu, đang tham gia giảng dạy 57 ngành/chuyên ngành ở trình độ đại học, 22 ngành cao học và 14 ngành tiến sĩ, trong đó có:
  • Nhà giáo Nhân dân: 09
  • Nhà giáo ưu tú: 67
  • Giáo sư: 20 (2,62%)
  • Phó Giáo sư: 99 (12,98%)
  • Giảng viên cao cấp và giảng viên chính: 311 (40,76%)
  • Tiến sĩ Khoa học và Tiến sĩ: 319 (41,81%)
  • Thạc sĩ: 435 (57,01%)

Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ viên chức là công việc được đặc biệt coi trọng của Nhà trường. Vì vậy, đội ngũ cán bộ viên chức ngày càng lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng.

CƠ SỞ VẬT CHẤT

Tại Hà Nội, trường có tổng diện tích hơn 3.9ha, trong đó có các khu giảng đường là nhà H1 (6 tầng), nhà H2 (4 tầng), nhà H3 (7 tầng + 2 tầng hầm), nhà Thư viện (4 tầng) và nhà Thí nghiệm (10 tầng), Trung tâm thể thao 1403 m2, Hội trường G3 (900 chỗ); Khu làm việc nhà A1 (6 tầng), nhà A2 (2 tầng) và Ký túc xá sinh viên 8012,22 m2/1000 giường. Hiện nay, trường đang đầu tư xây dựng cơ sở Đào tạo thực nghiệm tại Khu Đô thị ĐH Nam Cao – thành phố Phủ Lý – tỉnh Hà Nam với diện tích trên 24ha. Năm 2022, Trường đã đưa vào sử dụng tòa nhà giảng đường (2 tầng nổi), ký túc xá (5095,78m2/500 giường), sân thực hành (diện tích sân 5024m2) cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại cơ sở Hà Nam.


Toàn cảnh Trường Đại học Xây dựng Hà Nội


Trường Đại học Xây dựng Hà Nội- Trụ sở chính tại Hà Nội

 

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội – Cơ sở đào tạo thực nghiệm tại Hà Nam

Giảng đường, phòng thực hành, phòng thí nghiệm và nghiên cứu

  • Tổng diện tích giảng đường, phòng thực hành: 45.787,94 m2
  • Tổng diện tích phòng thí nghiệm và nghiên cứu: 10.911,26 m2

Thư viện và trung tâm học liệu

Tổng diện tích: 7.107,35 m2, trong đó:

  • Phòng Tự học – tầng 2: 350 chỗ
  • Phòng Đọc mở: 200 chỗ
  • Phòng Internet: 40 chỗ
  • Phòng Đa phương tiện: 30 chỗ
  • Phòng Đọc nghiên cứu sinh và Giảng viên: 30 chỗ
  • Phòng Giáo trình: 100 chỗ

Giáo trình, tài liệu

  • Phòng Giáo trình: 118.878 cuốn
  • Phòng Đọc mở (Tiếng Việt + Ngoại văn): 58.790 tài liệu

THÀNH TỰU

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, mỗi bước đi của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đều gắn liền với sự phát triển của ngành, của Thủ đô Hà Nội và của đất nước. Ra đời trong hoàn cảnh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các thế hệ thầy và trò đã không hề bị khuất phục, luôn đứng vững và không ngừng phấn đấu vươn lên cho đến ngày nay, xây dựng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm đào tạo, NCKH & chuyển giao công nghệ lớn, uy tín của đất nước, xứng đáng với nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng.

Tập thể Trường 

Huân chương Độc lập hạng Nhất Năm 2016
Huân chương Hồ Chí Minh Năm 2006
Huân chương Độc lập hạng Nhất Năm 2001
Huân chương Độc lập hạng Nhì Năm 1996
Huân chương Độc lập hạng Ba Năm 1991
Huân chương Lao động hạng Nhất Năm 1986
Huân chương Lao động hạng Nhì Năm 1983
Huân chương Lao động hạng Ba Năm 1978
Huân chương Chiến công hạng Ba Năm 1973

54 Huân chương Lao động (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba) và hàng trăm bằng khen của Chính phủ, các Bộ, tỉnh và thành phố cho các tập thể  và cá nhân.

500 Huân, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, trên 600 Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho các cán bộ của trường.

Bộ môn Đường ôtô và đường thành phố được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng.

Đảng bộ Trường ĐHXDHN là Đảng bộ vững mạnh trong nhiều năm, được Thành ủy Hà Nội 4 lần tặng cờ Đảng bộ vững mạnh, năm 2015 là một trong 5 trường đại học, cao đẳng thuộc Đảng bộ Khối các trường ĐH &CĐ Hà Nội được Thành uỷ tặng bằng khen đạt tiêu chuẩn tổ chức cơ sở Đảng “Trong sạch, vững mạnh” tiêu biểu 5 năm liền từ 2010-2014. Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác các năm: 2015, 2016, 2017.  Năm 2016, nhân kỷ niệm 60 năm đào tạo, 50 năm thành lập Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vinh dự được Thành ủy Hà Nội tăng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội; liên tục từ năm 2010 đến 2017, được Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội tặng Giấy khen “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.

Công đoàn Trường ĐHXDHN được Nhà nước trao tặng hai Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba, 8 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Hà Nội và Công đoàn ngành trao tặng cờ Đơn vị xuất sắc và rất nhiều bằng khen của Công đoàn cấp trên, Công đoàn quận Hai Bà Trưng trao tặng….

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Thành đoàn Hà Nội tặng nhiều bằng khen Đoàn trường xuất sắc.

HỆ THỐNG NHẬN DIỆN

Ngày 02/6/2016, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội ban hành Quyết định số 743/QĐ-ĐHXD về việc “Ban hành Quy định về quản lý Hệ thống nhận diện Trường Đại học Xây dựng”.

Sau khi có quyết định đổi tên từ Trường Đại học Xây dựng thành Trường Đại học Xây dựng Hà Nội của Thủ tướng Chính phủ, ngày 01/02/2023, Trường ĐHXDHN ban hành Quyết định số 134/QĐ-ĐHXDHN thay thế cho quyết định số 743/QĐ-ĐHXD.

Quyết định: 

Hệ thống nhận diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bao gồm tất cả những giá trị liên quan đến hình ảnh của Trường, được quy chuẩn hóa nhằm đạt hiệu quả tối đa trong việc nâng cao uy tín, hình ảnh của Trường. Hệ thống này giữ một vai trò quan trọng đối với sự phát triển tổng thể của thương hiệu, cho thấy một sự đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp, dễ được chấp nhận về mặt nhận thức và trở thành một phần văn hóa của Trường. Việc tuân thủ triệt để các quy định về quản lý hệ thống nhận diện nhằm đảm bảo tính nhất quán và thống nhất trong truyền thông, đồng thời thể hiện sự cam kết dài lâu và tầm nhìn của thương hiệu. “Quy định về quản lý hệ thống nhận diện” đưa ra các quy định và chỉ dẫn về nhận diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt, nếu các quy định và chỉ dẫn chưa đề cập tới, phần thiết kế sẽ được tiến hành sao cho phù hợp nhất với tinh thần của những quy định và chỉ dẫn trong văn bản này.

Một số Mẫu trong hệ thống nhận diện: Tải tại đây

Quy định về Quản lý hệ thống nhận diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

LIÊN HỆ TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG HÀ NỘI
Địa chỉ: Số 55 đường Giải Phóng, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Email:dhxaydung@huce.edu.vn –  Website: www.Huce.edu.vn Facebook: https://www.facebook.com/truongdhxaydung/about
Điện thoại: 024.38.696.397 –  Fax: 024.38.691.684