Site icon ĐH Xây dựng Hà Nội

Tử vi 2024: Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn 2024 tỉnh Bến Tre

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn 2024 tỉnh Bến Tre

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bến Tre được tổ chức trong 2 ngày (05 và 06/6/2024). Bài thi vào lớp 10 môn Văn Bến Tre theo hình thức tự luận, với thời gian làm bài 120 phút, tổ chức thi sáng ngày 5/6.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bến Tre 2024

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn 2024 tỉnh Bến Tre

Câu 1.

a. Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do

b. Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ đã thể hiện một quy luật tình cảm bền vững và thiêng liêng của tình mẫu tử: tình cảm yêu thương vô bờ bến của người mẹ với đứa con thân yêu. Dù cho con có ở đâu, bên mẹ hay đến phương trời khác, dù còn nhỏ hay đã lớn thì mẹ vẫn đồng hành bên con, hết lòng thương yêu che chở.

c.

* Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Tình mẹ con.

* Suy nghĩ về tình mẹ con.

1. Giải thích:

– Tình mẹ con là tình ruột thịt nồng nàn giữa người mẹ và đứa con của mình.

– Nó còn là sự hy sinh vô điều kiện của người mẹ dành cho con.

– Là sự yêu thương tôn kính của đứa con với người mẹ của mình.

2. Vai trò của tình mẹ con:

– Giúp đời sống tinh thần của ta đầy đủ, phong phú và ý nghĩa.

– Giúp ta tránh khỏi những cám dỗ trong cuộc sống.

– Là điểm tựa tinh thần, tiếp thêm cho ta sức mạnh trước mỗi khó khăn.

– Là niềm tin, là động lực và là mục đích cho sự nỗ lực và khát khao sống của cá nhân.

3. Để giữ gìn tình mẹ con:

– Biết tôn trọng và khắc ghi công ơn mẹ.

– Biết sống sao cho xứng đáng với tình mẹ.

– Cần biết đón nhận, cởi mở với mẹ của mình để tạo điều kiện cho sự thấu hiểu của hai người.

*Kết thúc vấn đề: Khẳng định vai trò tình mẹ con.

Câu 2.

a) Người kể chuyện trong đoạn trích là nhân vật Phương Định.

Kể về một lần đi phá bom.

b)

1. Giới thiệu chung

– Thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác giả tham gia thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70.

– Lê Minh Khuê thành công ở thể loại truyện ngắn:

+ Trong chiến tranh, hầu hết sáng tác tập trung viết về cuộc sống, chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.

+ Sau 1975, sáng tác của Lê Minh Khuê bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.

– Sáng tác của Lê Minh Khuê cuốn hút người đọc nhờ lối viết giản dị, tự nhiên, lối kể chuyện sinh động, khả năng phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.

– Tác phẩm được viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.

– Đoạn trích nói về khung cảnh và công việc phá bom của Phương Định cùng hai nữ đồng đội ở một cao điểm trên đường mòn Trường Sơn. Khung cảnh đó đã được nhà văn tái hiện một cách chân thực và sinh động qua đoạn trích trên. Nhân vật Phương Định trong đoạn trích đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi lòng quả cảm, không sợ hi sinh.

2. Phân tích.

– Rời ghế nhà trường phổ thông, Phương Định xung phong ra mặt trận, nguyện dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước.

– Cuộc sống nơi chiến trường luôn đối mặt với thử thách, nguy hiểm và cái chết đã tôi luyện ở Phương Định lòng quả cảm, không sợ hi sinh. Tâm lí Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ thoáng qua trong giây lát.

– Lúc đến gần quả bom:

+ Mặc dù đã quen thuộc với công việc này, nhưng lần nào tới gần quả bom cô cũng thấy hồi hộp, căng thẳng “thần kinh căng như chão”. Bởi khung cảnh ẩn chứa sự nguy hiểm “im lặng đến phát sợ”, cây xơ xác, đất nóng, khói đen vật vờ, không khí ngột ngạt báo hiệu điềm chẳng lành, sự sống trở nên mong manh. Nhưng khi nghĩ đến ánh mắt của những chiến sĩ đang dõi theo từng cử chỉ của mình Phương Định không thấy sợ nữa, cô quyết định đi thẳng thay vì đi khom lưng.

=> Lòng dũng cảm của cô được kích thích bởi sự tự trọng khiến cô bình tĩnh và can đảm.

– Lúc đặt mìn, phá bom:

+ Ở bên cạnh quả bom, kề sát với cái chết im lìm, bất ngờ cảm giác của cô trở nên sắc nhọn để bình tĩnh, quyết đoán thực hiện các thao tác phá bom “Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom…thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng sắc nhọn đến gai người cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình”. Cái rùng mình ấy của Phương Định chính là thử thách đối với mỗi con người.

+ Nhưng ngay sau đó cô đã nhận định “Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Suy nghĩ ấy đã cho ta thấy sự can đảm, bản lĩnh, dũng cảm của Phương Định khi đối mặt với cái chết. Để sau đó cô chạy đua với thời gian thực hiện chính xác từng thao tác phá bom.

– Lúc chờ bom nổ và cảnh bom nổ:

+ Toàn bộ tâm trí hướng vào quả bom, Phương Định hồi hộp đến mức tim đập không rõ.

+ Cảm giác căng thẳng, lo lắng khi nhìn kim đồng hồ chạy “một cách bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung”, khi thấy “lửa đang chui vào cái dây mìn”.

+ Nhưng ngay cả cảm giấc ấy cũng trở nên quá quen thuộc bởi công việc nguy hiểm đến khủng khiếp này như bóp nghẹt trái tim Phương Định không chỉ một lần trong đời mà là hàng ngày “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến 5 lần. Ngày nào ít, 3 lần”.

+ Lúc này Phương Định nghĩ về cái chết nhưng nó chỉ là một khái niệm mờ nhạt. Bởi trong tâm trí cô chỉ băn khoăn một câu hỏi duy nhất: “Liệu bom có nổ không? Nếu không thì làm thế nào để châm lần thứ hai”. Phương Định hiện lên là một người có tinh thần trách nhiệm cao.

– Có thể nói, xây dựng nhân vật Phương Định, Lê Minh Khuê đã chọn được những phương thức trần thuật hợp lí khi nhà văn đặt điểm nhìn vào nhân vật chính của mình để nhân vật tự kể chuyện. Nhờ vậy, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật – tâm lí Phương Định đạt đến độ tinh tế nhất. Ngôn ngữ trần thuật qua nhân vật chính làm cho tác phẩm có giọng điệu, ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ, trẻ trung, nữ tính…

3. Tổng kết

Phương Định, một hình tượng đẹp, có ý nghĩa tiêu biểu về người thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Cùng với những hình tượng nghệ thuật khác như hình tượng anh thanh niên trong Lặng lẽ SaPa, người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính… thì nhân vật Phương Định đã góp phần phong phú hóa hình tượng cao đẹp của con người Việt Nam trong chiến đấu.

Bài làm tham khảo

A. Mở bài:

Đường Trường Sơn- tuyến đường huyết mạch gắn liền với những năm tháng kháng chiến chống Mĩ dữ dội mà hào hùng của dân tộc. Tuyến đường ấy không chỉ in sâu trong kí ức của những người lính bước ra từ chiến tranh mà còn ghi dấu trong nền thơ ca cách mạng với những tác phẩm thơ văn hay, đặc sắc nhất, đó chính là hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”của Phạm Tiến Duật, đó là những cô gái mở đường trong “Khoảng trời, hố bom”của Lâm Thị Mỹ Dạ. Cũng viết về chiến tranh, viết về tuyến đường Trường Sơn lịch sử, Lê Minh Khuê qua truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”đã tái hiện đầy chân thực, xúc động về hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong làm công tác trinh sát mặt đường, đo đất đo đá, lấp hố bom để đảm bảo lưu thông cho đoàn xe chi viện. Trong tác phẩm này, có lẽ đoạn trích kể lại một lần phá bom của Phương Định là đoạn trích khiến người đọc ấn tượng nhất

B. Thân bài

2. Cảm nhận đoạn trích

a. Khái quát về tác phẩm

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê được sáng tác năm 1971 – thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Truyện kể về cuộc sống, chiến đấu của ba cô gái Nho, Thao, Phương Định để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn, vẻ đẹp của thế hệ trẻ VN thời kì chống Mĩ cứu nước.

b. Cảm nhận về đoạn trích

b.1 Giới thiệu sơ lược về hoàn cảnh sống chiến đấu và công việc của Phương Định

Phương Định là nhân vật chính trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Cô và 2 người đồng đội của mình sống ở chân một cao điểm trên tuyến lửa Trường Sơn. Công việc hàng ngày của cô là “Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Phá bom là công việc hằng ngày của cô. Có ngày 5 lần, ngày nào ít thì 3 lần. Và Lê Minh Khuê cũng đã tái hiện lại một cách cụ thể và sinh động một lần Phơng Định phá bom như thế để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp trong tâm hồn cô.

b.2 Cảm nhận về nhân vật qua đoạn trích đã cho

* Đoạn trích cho thấy Phương Định là một cô gái kiên cường, dũng cảm.

Đọc đoạn trích này, điều đầu tiên chúng ta nhận ra ở Phương Định là vẻ đẹp của sự kiên cường và lòng dũng cảm. Mặc đù phá bom đã trở thành công việc quen thuộc của cô nhưng là một cô gái trẻ trong khoảnh khắc đối diện với cái chết, cô cũng không tránh được sự sợ hãi. Chính sự sợ hãi ấy đã làm cho các giác quan của cô trẻ nên nhạy bén. Cô cảm nhận được “Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung”. Chi tiết này cho thấy Lê Minh Khuê rất am hiểu tâm lí của con người. Nếu bà để cho Phương Định không có cái cảm giác sợ hãi kia thì có vẻ như không phù hợp với tâm lí của một cô gái trẻ. Để cho Phương Định cũng cảm thấy sợ hãi không chỉ phù hợp với tâm lí con người mà còn làm nổi bật lòng dũng cảm trong cô. Dù sợhãi thế nhưng cô đã dũng cảm để chiến thắng được nỗi sợ hãi của mình và bình tĩnh phá bom. Phá bom là một công việc không hề đơn giản. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, chỉ một phúc chậm chễ là có thể mất mạng. Phải thật sự dũng cảm cô mới dám nhận nhiệm vụ ấy. Và cũng vì hiểu được sự nguy hiểm trong công việc của mình nên Phương Định nhanh chóng đào đất phá bom. Có những lúc cô thấy rùng mình vì nghe thấy một tiếng động sắc đến gai người, vì cảm nhận được vỏ quả bom nóng. Thế nhưng bằng sự kiên cường và lòng can đảm của mình cô đã hoàn thành xong công việc. Trong đoạn văn miêu tả tâm lí của Phương Định khi phá bom nổ chậm, Lê Minh Khuê đã sử dụng hàng loạt các câu đặc biệt với nhịp điệu nhanh hơn bình thường. Cách diễn đạt như thế giúp người đọc cảm nhận được cái không khí và cảm giác căng thẳng của Phương Định khi thực hiện công việc phá bom nổ chậm. Không khí càng căng thẳng bao nhiêu ta càng nhận ra lòng dũng cảm của cô bấy nhiêu.

Chưa dừng lại ở đó, tinh thần dũng cảm của Phương Định còn tiếp tục được bộc lộ ở đoạn văn tiếp theo qua suy nghĩ của cô. Phá bom là đối diện với thần chết nhưng Phương Định lại nói “Tôi cũng nghĩ đến cái chết,nhưng một cái chết rất mờ nhạt”.Nhà văn tỏ ra khá am hiểu tâm lí nhận vật.Cô cũng như bao người khác yêu tha thiết cuộc sống này, không phải không nghĩ đến cái chết nhưng một cái chết mờ nhạt,nghĩa là không đậm nét, không ám ảnh đến nỗi sợ hãi.Bởi đã chấp nhận đi thanh niên xung phong vào Trường Sơn là đi theo một lí tưởng cao đẹp,sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc.

*Liên hệ: Câu nói của Phương Định làm ta nhớ đến những ca từ trong bài Tự nguyện cảu nhạc sĩ Trương quốc Khánh cũng nói về về lí tưởng sống của tuổi trẻ:

“Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng

Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương

Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm

Là người tôi sẽ chết cho quê hương.”

Có thể thấy rằng, lẽ sống cống hiến hi sinh vì quê hương đất nước bao giờ cũng là lẽ sống đẹp. Nó như ánh sáng soi đường để chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, mọi vất vả chông gai để trở thành một người có ích cho cộng đồng, cho xã hội

Quay trở lại với Phương Định sau khi phá bom nổ chậm. Mặc dù đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cô luôn lo lắng “liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai”. Cái suy nghĩ “làm thế nào để châm mìn lần 2” thật đáng để ta cảm phục. Châm mìn lần 2 còn nguy hiểm hơn gấp ngàn vạn lần so với lần châm mìn thứ nhất. Bởi bom có thể nổ bất cứ lúc nào. Chỉ cái suy nghĩ ấy thôi cũng cho thấy được lòng dũng cảm tuyệt với của cô gái Hà Thành Phương Định. Người đọc tự hỏi “Điều gì đã khiến một cô gái trẻ trung, mơ mộng, lãng mạn như Phương Định lại trở nên gan dạ, dũng cảm đến thế?” Phải chăng đó chính là tình yêu tổ quốc. Chính lòng yêu nước đã thôi thúc cô vào chiến trường và giờ đây cũng chính tình cảm ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho cô để cô trở nên mạnh mẽ, kiên cường để hoàn thành nhiệm vu.

* Phương Định là một cô gái giàu lòng tự trọng

Không chỉ dũng cảm, kiên cường, Phương Định còn là một cô gái giàu lòng tự trọng, luôn muốn hình ảnh cảu mình đẹp đẽ trong mắt mọi người nhất là các anh pháo thủ. Cô kể: Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ theo dõi mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới. Cô không muốn hình ảnh của mình xấu đi trong mắt các chiến sĩ.Dù nguy hiểm hiếm đến đâu cũng không được phép run sợ.Cô tự nhủ với chính mình;”Tôi sẽ không đi khom.các anh ấy không thích cái kiểu đi khom “. Như vậy coi trọng danh dự đã tiếp thêm cho cô nghị lực để cô thực hiện công việc của mình. Nét đẹp ấy của Phương Định thật đáng để ta trân trọng

3. Đánh giá

– Như vậy, bằng hàng loạt các câu trần thuật đơn, câu rút gọn, câu đặc biệt, nhịp ngắt dồn dập, nghệ thuật độc thoại nội tâm, phân tích tâm lí nhân vật độc đáo, tình huống kịch tính, điểm nhìn của tác giả hòa lẫn vào điểm nhìn tâm trạng của nhân vật để tạo nên không khí căng thẳng, hiểm nguy và khắc họa tâm lí Phương Định. Thông qua đó, ta thấy rõ phẩm chất anh dũng, kiên cường của nhân vật. Đó là phẩm chất tiêu biểu cho thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ.

C. Kết bài

Tác phẩm đã khắc họa thành công những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ là: Nho, Thao, Phương Định. Họ trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Qua đó, ngợi ca tâm hồn trong sáng, tính cách dũng cảm và tinh thần lạc quan của người chiến sĩ thanh niên xung phong Trường Sơn.

Exit mobile version